Giá dầu giảm hơn 2%
Giá dầu đã giảm hơn 2% do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Libya dịu xuống và những quan ngại về nhu cầu tiêu thụ vẫn tồn tại, mặc dù Trung Quốc đã đưa ra các kế hoạch kích thích kinh tế mới nhất. Dù vậy, sự suy giảm dự trữ dầu thô tại Mỹ và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đã phần nào hỗ trợ thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu thô Brent giảm 1,71 USD, tương đương 2,27%, còn 73,46 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm 1,87 USD, tương đương 2,61%, xuống còn 69,69 USD/thùng.
Tình hình căng thẳng tại Libya đã lắng dịu sau khi các phe phái nước này ký kết thỏa thuận liên quan đến quy trình bổ nhiệm thống đốc ngân hàng trung ương. Đây là bước đi quan trọng nhằm giải quyết tranh chấp về quyền kiểm soát ngân hàng trung ương cũng như doanh thu từ dầu mỏ, vốn đã ảnh hưởng tới sản lượng và xuất khẩu dầu của quốc gia này.
Mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ tiền tệ vào ngày 24/5, đây là động thái táo bạo nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, các nhà phân tích vẫn cho rằng cần có thêm các biện pháp tài chính khác để thúc đẩy hoạt động kinh tế tại nước này, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Cùng lúc đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô tại nước này đã giảm 4,5 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 413 triệu thùng, cao hơn mức dự đoán giảm 1,4 triệu thùng theo một khảo sát của Reuters. Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng ghi nhận mức giảm trong cùng kỳ.
Giá vàng tăng kỷ lục
Giá vàng đã tăng lên mức kỷ lục, nhờ vào kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất, cùng với sự suy yếu của đồng USD. Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.662 USD/ounce, sau khi chạm mức kỷ lục 2.670,43 USD/ounce. Hợp đồng vàng kỳ hạn của Mỹ giao tháng 12 cũng tăng 0,3% và đóng cửa ở mức 2.684,7 USD/ounce.
Đồng USD vẫn ổn định gần mức thấp nhất trong vòng 14 tháng so với các đồng tiền khác, giúp cho vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ ngoại tệ. Trong khi đó, Fed đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tuần trước, và các nhà đầu tư đang đánh giá có khoảng 59% khả năng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 11.
Với sự hỗ trợ từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ và các căng thẳng địa chính trị, vàng đã tăng 29% trong năm 2024.
Giá đồng ổn định sau khi đạt mức cao nhất 10 tuần
Giá đồng đã ổn định sau khi đạt mức cao nhất trong 10 tuần, do đồng USD mạnh lên, cùng với hiệu quả hạn chế từ các biện pháp kích thích kinh tế mới nhất của Trung Quốc. Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,2% lên 9.817,5 USD/tấn, sau khi chạm mức 9.913 USD trước đó trong phiên, mức cao nhất kể từ ngày 15/7.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm chi phí vay trung hạn cho các ngân hàng, một ngày sau khi công bố các biện pháp giảm lãi suất cho vay và tăng cường bơm tiền vào nền kinh tế. Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng USD đã khiến các kim loại định giá bằng đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn đối với người mua sử dụng các đồng tiền khác, trong khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm nhẹ sau đợt tăng trước đó.
Dan Smith, giám đốc nghiên cứu tại Amalgamated Metal Trading (AMT), cho rằng các biện pháp kích thích từ Bắc Kinh sẽ không thể giải quyết hết các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc, dù đây là động thái quan trọng nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản. Ông cũng nhận định, nhu cầu đối với đồng và nhôm tại Trung Quốc hiện vẫn khá cao, trong khi nguồn cung cho hai kim loại này vẫn còn hạn chế.
Giá quặng sắt tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần
Giá quặng sắt đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần, nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ mới từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ quặng sắt hàng đầu, đã kích thích tâm lý thị trường. Đồng thời, nguồn cung toàn cầu cũng có dấu hiệu thắt chặt, hỗ trợ cho đà tăng của giá quặng sắt.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn giao dịch Đại Liên của Trung Quốc tăng 4,19% và đóng cửa ở mức 709 CNY (101,02 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch, giá đã chạm mức 730,5 CNY, cao nhất kể từ ngày 2/9. Tại Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10 cũng tăng 1,7%, lên 96,35 USD/tấn.
Theo công ty tư vấn Mysteel của Trung Quốc, các gói kích thích kinh tế đã giúp cải thiện tâm lý trên thị trường kim loại đen trong nước, kéo theo đà tăng của giá quặng sắt nhập khẩu vào ngày 24/9.
Tuy vậy, các nhà phân tích tại ANZ nhận định rằng dù các biện pháp kích thích có thể ngăn chặn sự suy giảm trên thị trường thép, nhưng khó có thể tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ trong ngắn hạn, khi sản lượng thép trong năm nay vẫn đang trên đà giảm so với năm 2023.
Cao su Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 13 năm
Giá cao su tại Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm, nhờ tác động từ các biện pháp kích thích bổ sung của chính phủ Trung Quốc. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2025 trên sàn giao dịch Osaka tăng 2 JPY, tương đương 0,52%, lên 387 JPY (2,69 USD)/kg. Trong phiên, giá đã đạt 400 JPY, mức cao nhất kể từ ngày 25/4/2011. Tại Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 1/2025 tăng 540 CNY, tương đương 3,04%, lên 18.300 CNY (2.607,21 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2017.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,3 US cent, tương đương 1,3%, và đóng cửa ở mức 23,42 US cent/pound, sau khi chạm mức cao nhất 7 tháng tại 23,57 US cent. Những dự đoán về việc Brazil, quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu, sẽ trải qua thời kỳ giữa các vụ kéo dài do hạn hán và cháy rừng đã hỗ trợ giá đường tăng mạnh.
Giá cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 1,3 US cent, tương đương 0,5%, lên 2,691 USD/pound, sau khi đạt mức cao nhất trong 13 năm tại 2,712 USD. Thời tiết khô hạn tại Brazil đang làm dấy lên lo ngại về khả năng sản lượng cà phê giảm trong mùa vụ tới.
Xem thêm : Hàng hóa phái sinh là gì? Tìm hiểu cách đầu tư hàng hóa sinh lời