Sự kiện vĩ mô trong tuần
Bầu cử tổng thống Mỹ
Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng từ chính đảng của mình liên quan đến chiến dịch tái tranh cử năm 2024. Những lo ngại không hề giảm bớt sau cuộc phỏng vấn gần đây của ông với ABC Newsy.
Thêm vào sự bất an của đảng Dân chủ, 2 nhà lập pháp khác, Dân biểu Mike Quigley và Angie Craig đã công khai kêu gọi Biden xem xét lại ý định tranh cử tổng thống một lần nữa, thậm chí yêu cầu từ chức. Đây là một diễn biến đáng chú ý khi xét đến vị thế của họ trong đảng Dân chủ, góp phần tạo nên sự nghi ngờ lớn hơn đến từ các nhà lập pháp, chiến lược gia và nhà tài trợ.
Những tiếng nói phản đối ngày càng tăng trong Đảng Dân chủ cho thấy cần phải tìm kiếm các chiến lược hoặc ứng cử viên thay thế để có thể tăng cường cơ hội trong cuộc bầu cử sắp tới.
Bài phát biểu của Powell
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell sẽ có bài phát biểu trước Thượng viện và Hạ viện vào thứ Ba và thứ Tư.
Trong khi các phiên điều trần chủ yếu tập trung vào chính sách tiền tệ, các nhà phân tích của TD Cowen cho biết họ mong đợi sẽ thấy một số câu hỏi về quản lí chính sách.
Các chiến lược gia cho biết: "Chúng tôi dự kiến sẽ có nhiều câu hỏi về Hiệp định kết thúc Basel 3, nợ dài hạn cho các ngân hàng khu vực và những thay đổi về yêu cầu thanh khoản.”
Dữ liệu lạm phát của Mỹ
Báo cáo lạm phát tháng 6 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 11/7. Các nhà phân tích Phố Wall kỳ vọng lạm phát sẽ tăng 0,1% hàng tháng và tăng 3,1% hàng năm. Chỉ số CPI lõi dự kiến sẽ tăng 0,2% hàng năm.
Bank of America có cùng quan điểm với Phố Wall về cả số liệu tổng hợp và số liệu lõi hàng tháng. Tuy nhiên, ngân hàng này kỳ vọng lạm phát hàng năm sẽ đạt 3,2%.
Các nhà kinh tế của Bank of America cho biết: "Nếu báo cáo CPI được công bố phù hợp với kỳ vọng, chúng tôi sẽ duy trì kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 12. Mức tăng CPI lõi 0,2% hàng tháng sẽ làm tăng kỳ vọng cắt giảm lãi suất sớm, đặc biệt là khi hoạt động kinh tế có dấu hiệu suy yếu.”
Ngoài báo cáo CPI, các nhà đầu tư cũng sẽ tập trung theo dõi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, cũng như báo cáo Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hoa Kỳ vào thứ Năm và thứ Sáu.
Biên bản cuộc họp của Fed
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ xuất hiện tại diễn đàn thường niên của ECB tại Sintra, Bồ Đào Nha vào thứ Ba.
Powell, cùng với Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ tham gia một cuộc thảo luận chuyên đề về “Chính sách tiền tệ trong thời kỳ chuyển đổi" với các nhà đầu tư tìm kiếm bất kỳ thông tin mới nào về triển vong lãi suất trong tương lai.
Lạm phát đang giảm sau khi tăng vọt trong quý đầu tiên nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Trong khi đó, biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed vào thứ Tư sẽ được phân tích để làm rõ quan điểm của ngân hàng trung ương về triển vọng kinh tế và các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.
Lạm phát khu vực đồng Euro
Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ công bố dữ liệu lạm phát tháng 6 vào thứ Ba, với các nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ chậm lại nhẹ.
ECB sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 6 vào thứ Năm, sau khi cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2019.
Đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6 đã đưa ECB đi trước Fed trong tiến trình nới lỏng chính sách, trong khi ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới Fed vẫn bị cản trở bởi lạm phát cao hơn mục tiêu.
Bầu cử ở Pháp, Anh
Pháp đã tổ chức bỏ phiếu vòng đầu tiên của cuộc bầu cử vào Chủ nhật
Trong khi đó, các cuộc thăm dò dự đoán Đảng Lao động đối lập sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tại Anh vào thứ Năm, đưa đồng bảng Anh trở lại mức chưa từng thấy kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016.
Các nhà giao dịch nhận thấy sự ổn định trở lại sau những bất ổn chính trị nặng nề trong suốt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ và đã suy đoán rằng lãnh đạo Đảng Lao động Keir Starmer có thể xây dựng lại các liên kết thương mại với châu Âu.
Quan điểm dự báo | ||
USD | Kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần vào cuối năm nay | Tiêu cực |
Vàng | Đồng đô la yếu và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương hỗ trợ giá | Tích cực |
Bạc | Tâm lý rủi ro sẽ hỗ trợ giá | Tích cực |
Đồng | Dự trữ trên sàn LME ở mức cao nhất trong hơn 8 tháng | Tiêu cực |
Dầu thô | Tồn kho ở mức thấp nhất trong 3 tháng | Tích cực |
Xăng | Nhu cầu hàng tuần đạt mức cao nhất trong 8 tháng | Tích cực |
Khí tự nhiên | Dự trữ của Mỹ vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm | Tiêu cực |
Đậu tương | Phục hồi trong ngắn hạn | Tích cực |
Ngô | Thời tiết tốt sẽ là yếu tố giảm giá | Tiêu cực |
Lúa mì | Tiếp tục phục hồi | Tích cực |
Đường | Lượng mưa gió mùa tháng 6 của Ấn Độ dưới mức trung bình dài hạn | Tích cực |
Cà phê | Sự phục hồi sản xuất ở Colombia sẽ gây áp lực | Tiêu cực |
Ca cao | Phục hồi lớn trong sản xuất ở Bờ Biển Ngà trong vụ mùa tới | Tiêu cực |
Bông | Mỹ sẽ tăng 14% diện tích trồng trọt trong năm nay | Tiêu cực |
Thị trường hàng hoá
Hoạt động sản xuất và dịch vụ ISM, đơn đặt hàng nhà máy và chi tiêu xây dựng của Hoa Kỳ đều thấp hơn dự kiến, cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.1%. Những yếu tố này đã làm tăng khả năng FOMC sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần vào cuối năm nay.
Nhu cầu xăng đạt mức cao nhất kể từ tháng 11, cho thấy sự cải thiện về nhu cầu lái xe trong mùa hè và điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu thô và các sản phẩm nhiên liệu. Trong khi đó, giá vàng tiếp tục được hưởng lợi từ hoạt động mua vào liên tục của các ngân hàng trung ương.
Trên thị trường nông sản, điều kiện mùa vụ tốt và thời tiết thuận lợi dự kiến sẽ kéo dài cho đến giữa tháng, ngoại trừ một số khu vực bị ngập lụt ở phía Bắc khu vực Trung Tây Hoa Kỳ. Mặc dù các yếu tố dài hạn cho thấy giá nông sản sẽ giảm, nhưng trong ngắn hạn, nếu mùa vụ ở Mỹ tốt, giá có thể không giảm hoặc thậm chí tăng, gây rủi ro cho những nhà đầu cơ đang nắm giữ vị thế bán khống.
Liệu giá đồng đã thay đổi xu hướng?
Trong khi hành động trên biểu đồ giá dường như đã báo hiệu sự đảo chiều xu hướng giảm tháng 5 và tháng 6, các yếu tố cơ bản vẫn kém lạc quan.
Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang thu hẹp, với PMI dịch vụ của Caixin tháng 6 giảm gần 3 điểm và mức độ tham gia giao thông giảm bớt. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải hứng chịu thêm tác động tiêu cực tới từ sự chậm lại kinh tế ở Mỹ và châu Âu.
Tồn kho đồng LME đã tăng 21 trong 22 phiên gần đây và đạt mức cao nhất kể từ ngày 24/10. Trong khi tồn kho đồng ở Thượng Hải mặc dù đã chứng kiến 3 tuần giảm liên tiếp, nhưng tổng dự trữ vẫn ở mức cao trên 300.000 tấn. Mặt khác, các công ty khai thác đồng lớn trên thế giới và nhiều nhà phân tích tiếp tục giữ nguyên dự báo từ đầu năm về sự thắt chặt trên thị trường đồng tinh chế toàn cầu trong quý 3.
Thị trường đồng đã bị bán quá mức trong ngắn hạn và hoạt động đóng vị thế bán có thể kéo dài thêm vài phiên nữa. Các yếu tố cơ bản tiêu cực về cung và cầu sẽ tạo ra cơ hội bán đồng khi giá tăng lên các mức cao hơn.
Các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng cường dữ trữ vàng
Theo dữ liệu gần đây nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), lượng vàng nắm giữ của các ngân hàng trung ương đã tăng 48 tấn trong tháng 4, đánh dấu tháng tăng thứ 11 liên tiếp.
Tính đến tháng 4, WGC ước tính lượng vàng nắm giữ của các ngân hàng trung ương trên thế giới là 36.004 tấn. Ba định chế nắm giữ lớn nhất là Mỹ với 8.133,5 tấn, Đức với 3.351,9 tấn và Quỹ Tiền tệ Quốc tế với 2.814 tấn. Vào năm 2023, lượng vàng nắm giữ của các ngân hàng trung ương đã tăng 1.037 tấn, mức tăng hàng năm lớn thứ hai trong lịch sử. Khảo sát dự trữ vàng năm 2024 của WGC cho thấy 29% các ngân hàng trung ương có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới.
Mặc dù sức mạnh gần đây của đồng đô la Mỹ đã gây áp lực lên giá vàng trong 6 tuần qua, nhưng các ngân hàng trung ương có thể vẫn tích cực mua vào và điều này sẽ giúp củng cố giá vàng.
Tồn kho đồng tại THượng Hải và nhu cầu của Trung Quốc
Trung Quốc là nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới trong nhiều năm và sức mạnh kinh tế của nước này có thể được đo lường thông qua việc sản xuất và nhập khẩu đồng. Trong năm 2023, nhập khẩu đồng chưa gia công giảm 6% so với năm trước, tuy nhiên nhập khẩu quặng và tinh quặng tăng 9%.
Số liệu hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy tồn kho đồng trên Sàn giao dịch Thượng Hải là 214.487 tấn, tăng 33.164 tấn so với tuần trước và là mức tăng thứ 11 trong 12 tuần qua. Thứ Sáu trước nữa cho thấy mức tăng 94.803 tấn, đây là mức tăng lớn nhất trong lịch sử. Trở lại đầu tháng 12, tồn kho tại Thượng Hải đạt tổng cộng 26.149 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2009.
Tồn kho tại Thượng Hải thường đạt mức cao nhất trong năm vào tháng 2 hoặc tháng 3. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến sản xuất chậm lại và nguồn cung bị tắc nghẽn.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI-300 đạt mức thấp nhất trong 5 năm vào đầu tháng 2, nhưng đã phục hồi trong 4 tuần qua. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) sẽ bắt đầu cuộc họp thường niên vào tuần tới và dự kiến sẽ đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm của chính phủ. Những tin tức tích cực từ NPC có thể báo hiệu hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc mạnh hơn trong năm nay.
Tồn khi máy bay tăng dự báo nhu cầu mạnh trong quý 3
Tồn kho nhiên liệu máy bay của Mỹ tăng năm nay có thể là một dấu hiệu sớm cho nhu cầu đi lại cao trong quý 3, giúp củng cố giá nhóm sản phẩm chưng cất cho đến cuối năm.
Dự trữ nhiên liệu máy bay loại kerosene của Mỹ có xu hướng đạt đỉnh trong năm vào khoảng tháng 6 – tháng 10. Tuy nhiên, dự trữ tuần vừa rồi đạt mức 43,878 triệu thùng, cao hơn 2,9 triệu thùng so với cùng kỳ năm trước và 3,2 triệu thùng so với 2022. Đây cũng là mức dự trữ cao nhất kể từ tháng 8/2021. Nhìn dài hơn từ năm 2000, tồn kho nhiên liệu máy bay của Mỹ đã chạm đáy tại 33,904 triệu thùng vào tháng 1/2023 và có mức cao nhất tại 48,708 triệu thùng vào tháng 7/2010.
Theo mùa vụ, nhu cầu trong năm thường tăng vào đầu tháng 7 và đầu tháng 1. Năm nay, nhu cầu ước tính đạt cao nhất theo tuần tại mức 1,850 triệu thùng/ngày, ghi nhận trong tuần kết thúc vào 24/5,
Tuy nhiên, nhu cầu vẫn đang thấp hơn mức đỉnh đạt được trước dịch Covid, ghi nhận tại 2,006 triệu thùng/ngày vào 2018 và 2,088 triệu thùng/ngày vào 2019.
Với việc tồn kho tăng lên hướng tới khởi đầu của giai đoạn tăng sản lượng, ngành công nghiệp dường như đang dự kiến sẽ có mức nhu cầu cao trong vài tháng tới.
ULSD (diesel có sulfur cực thấp) thường được sử dụng làm đại diện cho nhóm sản phẩm chưng cất, bao gồm kerosene trong nhiên liệu máy bay.
Khí tự nhiên - Các yếu tố tiêu cực giảm dần
Giá khí tự nhiên đã hồi phục đáng kể với mức tăng gần $0,8 kể từ đầu tháng 5. Mặc dù nguồn cung của Mỹ vẫn đang cao hơn 29% so với mức trung bình 5 năm, song nếu so với con số 41% hồi đầu năm thì đây là một tín hiệu khá tích cực.
Đợt nóng đầu mùa ở một vài khu vực cho thấy nhu cầu làm mát ở mức cao, với 17 ngày ghi nhận nhiệt độ trên mức trung bình tại Mỹ trong 3 tuần qua.
Về xuất khẩu, EIA hiện dự báo công suất xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây tại thời điểm cuối năm, tăng 4 bcf/ngày, +33% so với 2023. Tuy nhiên, mức công suất thực tế đã gần đạt con số dự báo, do đó chỉ cần một trục trặc nhỏ ở các cảng cũng có thể gây ra sự gián đoạn.
Về phân tích kỹ thuật, mặc dù đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây, giá vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh lịch sử. Bên cạnh đó, việc loại bỏ dần những nhiên liệu gây ô nhiễm nặng như than và dầu thô có thể hỗ trợ xu hướng tăng bền vững của giá khí tự nhiên.
Trong ngắn hạn giá khí vẫn đang điều chỉnh sau khi quá mua, do đó NĐT nên giữ quan điểm thận trọng và lựa điểm vào để giải ngân dần. Hỗ trợ gần nhất là vùng $2,74 - $2,79 đối với hợp đồng tháng 8.
Đậu tương - Liệu đã đến lúc tăng giá?
Giá của các sản phẩm từ đậu tương đã tăng trong tuần trước, phản ánh khả năng lũ lụt nhiều hơn ở phía bắc miền trung Hoa Kỳ trong những ngày tới và hợp đồng tương lai đạt đến mức quá bán.
Sau khi giảm 1,30 USD kể từ ngày 23/5 trên hợp đồng tháng 11, giá cuối cùng cũng bắt đầu hồi trở lại. Diện tích trồng đậu tương trong báo cáo cuối tháng 6 vừa qua thấp hơn so với dự đoán, và lượng tồn kho hàng quý cao hơn một chút so với dự đoán. Tuy nhiên, vì không có bất ngờ lớn nào, các nhà giao dịch đang hướng tới phía trước với tâm thế tích cực hơn. Có lẽ phần gây bi quan nhất của báo cáo là lượng tồn kho đậu tương "trên trang trại" đã tăng 44% so với năm ngoái, lên đến 466 triệu giạ. Đậu tương hiện khá dồi dào, nhưng nông dân Mỹ không muốn bán đậu tương lưu kho ở mức giá hiện tại. Điều này giúp giá hợp đồng tương lai của vụ cũ tăng lên. Yếu tố cơ bản cũng có sự cải thiện khi các nhà máy ép dầu cần thêm hàng tồn kho.
Thời tiết trồng đậu tương vẫn khá thuận lợi, ngoại trừ một số khu vực bị lũ lụt và nắng nóng ở phía Đông Nam nước Mỹ. Các vấn đề về vận chuyển trong tuần cuối tháng 6 do lũ lụt ở vùng Trung Tây đã làm tăng giá khô đậu tương vụ cũ lên mức cao nhất trong hai tuần, đúng lúc giá khô đậu tương từ Nam Mỹ bắt đầu giảm. Điều này đã mở ra cơ hội cho một vài lô hàng khô đậu tương từ Nam Mỹ được nhập khẩu vào Đông Nam nước Mỹ. Dầu đậu tương cũng được hỗ trợ trong tuần do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Indonesia, có thể ảnh hưởng đến luồng thương mại dầu cọ và làm giảm lượng dầu ăn đã qua sử dụng có sẵn để xuất khẩu.
Sau khi giảm hơn 1.30 USD/giạ từ cuối tháng Năm, chuyển động giá dường như đang sẵn sàng cho nhịp hồi kỹ thuật. Các nhà giao dịch có thể tận dụng cơ hội này để mua vào và tối ưu hoá lợi nhuận trong ngắn hạn.
Ngô - Cập nhật theo báo cáo của USDA
Giá ngô đã trải qua một tuần giảm mạnh và liên tục giảm trong hầu hết các phiên giao dịch gần đây. Các báo cáo về dự trữ và diện tích gieo trồng trong tháng 6 đều không có lợi cho giá ngô, với diện tích gieo trồng thực tế cao hơn dự báo trung bình, làm tăng thêm áp lực giảm giá.
Báo cáo ý định trồng trọt vào tháng 3 dự kiến diện tích gieo trồng ngô là 90 triệu mẫu, nhưng báo cáo diện tích trồng tháng 6 cho thấy diện tích thực tế cao hơn dự đoán trung bình trong hầu hết các năm gần đây. Do tiến độ gieo trồng nhanh hơn bình thường, nông dân đã có thể gieo trồng trên toàn bộ diện tích kế hoạch của họ.
Lượng tồn kho ngô 4.993 tỷ giạ, cao hơn mức 4.874 tỷ giạ dự kiến và đạt mức cao nhất trong 4 năm đã khiến thị trường phản ứng tiêu cực, với giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm mạnh 0,20 USD.
Việc giá đã giảm gần 0,5 USD trong các phiên giao dịch trước đó và tiếp tục giảm sau báo cáo có thể khiến những người đầu tư yếu tâm lý bán ra, dẫn đến một sự đầu hàng toàn diện.
Tuy nhiên, điều này có thể tạo cơ hội cho một đợt tăng giá ngắn hạn trong những ngày tới khi các nhà đầu tư mới mua vào.
Dự đoán gần một nửa diện tích ngô ở Mỹ sẽ thụ phấn vào giữa tháng 7. Thời tiết thuận lợi ở Mỹ sẽ làm giảm khả năng tăng giá ngắn hạn cho ngô, nhưng giá có thể phục hồi do các yếu tố khác, bao gồm căng thẳng về thời tiết ở khu vực Biển Đen. Sự phục hồi này có thể xảy ra sau khi quá trình bán tháo kết thúc. Vì vậy, việc mua vào lúc này để chờ đợi đợt phục hồi giá có thể là chiến lược tốt.
Lúa mỳ - nhịp hồi kĩ thuật tiềm năng
Sau khi giảm mạnh trong suốt 5 tuần, giá lúa mì tìm được hỗ trợ trong tuần cuối tháng Sáu. Các chỉ báo kỹ thuật đã đạt đến mức quá bán rất cao trong 2 năm qua, cho thấy một đợt tăng giá có thể sắp xảy ra. Các yếu tố hỗn loạn cuối cùng đã được phản ánh vào giá. Trong vòng 5 tuần từ giữa tháng Tư đến cuối tháng Năm, giá lúa mì tại Chicago (hợp đồng tháng 12) tăng gần 1.70 USD/ giạ do sương giá và khô hạn tại vùng Biển Đen. Tuy nhiên, thu hoạch ở Mỹ đang bắt đầu và báo cáo về năng suất lại tốt hơn dự kiến, dẫn đến việc giá giảm lại gần 1.80 USD/giạ trong vòng 5 tuần tiếp theo, xóa bỏ hết áp lực từ yếu tố thời tiết. Hiện tại, giá lúa mì đã trở lại như trước khi xảy ra vấn đề ở vùng Biển Đen.
Nga hiện chiếm khoảng 25% thương mại xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Do đó, bất kỳ biến động đáng kể nào trong diện tích mùa màng hoặc xuất khẩu của họ đều có tác động lớn đến giá lúa mì. Trong báo cáo cung cầu ngày 12/6, USDA đã điều chỉnh sản lượng lúa mì của Nga trong niên vụ 2024/25 xuống còn 83 triệu tấn từ mức 88 triệu tấn vào tháng 5 và 91,5 triệu tấn vào tháng 4, trước khi sương giá ảnh hưởng đến mùa màng. SovEcon, một cơ quan tư vấn có uy tín, cũng giảm dự báo sản lượng lúa mì của Nga xuống còn 80,7 triệu tấn trong tuần.
Có một số báo cáo về năng suất thu hoạch sớm của Nga có phần cải thiện nhẹ. Tuy nhiên, dù sản lượng dao động từ 83 - 84 triệu tấn, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với các dự báo sản lượng vào tháng 4 và đầu tháng 5. Mặc dù vậy, giá lúa mì đã trở lại gần mức của tháng 4, tháng 5 sau đợt giảm mạnh gần đây. Hơn nữa, trong tuần SovEcon đã giảm dự báo xuất khẩu lúa mì của Nga xuống 46,1 triệu tấn, giảm 1,7 triệu tấn do dự kiến vụ mùa nhỏ hơn. Con số này so với 54 triệu tấn xuất khẩu trong niên vụ 2023/24. Xuất khẩu của Ukraine cũng dự kiến sẽ giảm do diện tích trồng giảm trong mùa này. Khả năng xuất khẩu giảm ở vùng Biển Đen mở ra cơ hội cho nhu cầu tăng từ các nhà cung cấp lớn khác như Mỹ, Úc và Canada.
Thu hoạch ở Mỹ đã được hơn 50%, và bang sản xuất lúa mì đông hàng đầu Kansas, đã thu hoạch được 80%. Điều này sẽ dẫn đến áp lực thu hoạch giảm đáng kể trong vài tuần tới. Các nhà giao dịch có thể nắm giữ hoặc mua thêm để tận dụng lợi thế đợt tăng giá này.
Gió mùa chậm lại có tác động đến vụ mùa của Ấn Độ
Mùa gió mùa của Ấn Độ thường cung cấp đến 70% lượng mưa cần thiết cho nông nghiệp và làm đầy các hồ chứa. Gió mùa năm nay đến sớm hơn 2 ngày so với thông thường, khiến Cục Khí tượng Ấn Độ duy trì dự báo lượng mưa sẽ đạt mức 106% so với trung bình dài hạn 50 năm.
Mặc dù vậy, vấn đề đã sớm xuất hiện, khi gió mùa “khựng” lại khoảng 9 ngày và gần như không tiếp tục di chuyển lên phía Bắc, dẫn đến lượng mưa giảm đáng kể, thấp hơn 17% mức trung bình tính đến ngày 21/6. Tác động giữa các khu vực không đồng đều, với vùng phía Nam Peninsula ghi nhận lượng mưa trên 10% mức trung bình, trong khi vùng Trung Ấn nhận được thấp hơn 28% và vùng Tây Bắc thấp hơn đến 61%.
Các cập nhật mới nhất cho thấy gió mùa sẽ tịnh tiến lên phía Bắc vào cuối tuần. Cần lưu ý rằng đây là khu vực đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nắng nóng trong quý 2, với nhiệt độ ghi nhận lên đến hơn 40 độ C tại thủ đô New Delhi trong 39 ngày liên tiếp, chuỗi thời gian nắng nóng dài nhất trong vòng ít nhất là 74 năm.
Ấn Độ là quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, với các vùng trồng chính nằm ở khu vực Trung và Tây Bắc Ấn. Tuy nhiên, lúa mì là một trong những vụ mùa “Rabi” được trồng sau khi gió mùa kết thúc. Điều này sẽ giúp làm giảm tác động tiêu cực của nắng nóng và gió mùa chậm. Dự báo mới nhất của USDA cho thấy sản lượng lúa mì của Ấn Độ niên vụ 2024/25sẽ ở mức 114 triệu tấn, tăng từ mức 110,5 triệu tấn vụ 2023/24.
Diễn biến thời tiết năm nay có thể tác động mạnh hơn đến vụ “Kharif” của Ấn Độ, vụ mùa có chu kỳ phát triển gần với mùa gió mùa. Nhóm này bao gồm đường mía, được trồng phần lớn ở phía Tây Bắc, và bông, được trồng phần lớn ở miền Trung. Nếu dự báo lượng mưa gió mùa năm 2024 được thay đổi, những nhóm này có thể sẽ chứng kiến phản ứng giá mạnh nhất.
Đường - Liệu có đà tăng sắp tới?
Giá đường đã có sự hồi phục nhất định trong vài tuần qua, song vẫn đang giao dịch trên mức đáy 14 tháng ghi nhận vào cuối tháng 5.
Sản lượng đường niên vụ 2023/24 của khu vực Trung Nam Brazil đã ghi nhận mức kỷ lục 42,42 triệu tấn, tăng 25% so với vụ 2022/23. Sản lượng nghiền mía cũng đạt 654,43 triệu tấn, tăng 19% so với niên vụ trước.
Đối với niên vụ mới năm nay (2024/25), khu vực Trung Nam Brazil đang có khởi đầu khá tốt với sản lượng nghiền mía tháng 4 đạt 50,61 triệu tấn (+43%) và sản lượng đường đạt 2,56 triệu tấn (+65%). Đồng real Brazil mất giá đã khuyến khích tăng cường xuất khẩu, làm tăng thêm khả năng xuất khẩu đạt mức kỷ lục trong niên vụ 2024/25.
Tuy nhiên, xu hướng đã chững lại trong tháng 5, khi tỷ trọng đường trong nghiền mía đạt 47,9%, chỉ cao hơn 1,2% tốc độ mùa trước. Bên cạnh đó, giá năng lượng đang tăng nhanh trong vài tuần qua,có thể thúc đẩy các nhà máy chuyển hướng sang sản xuất ethanol nhiều hơn.
Về phía các khu vực khác, Ấn Độ tiếp tục giữ lệnh cấm xuất khẩu, trong khi Thái Lan sẽ không ghi nhận xuất khẩu lớn cho đến cuối năm. Xuất khẩu của Brazil dự kiến ở mức 34,5 triệu tấn trong niên vụ 2024/25 (theo USDA), chiếm hơn một nửa xuất khẩu toàn thế giới.
Như vậy, nếu sản lượng của Brazil có sự điều chỉnh giảm, điều đó sẽ là nhân tố hỗ trợ tốt và thúc đẩy giá tăng cao trong quý 3.
Về mặt kỹ thuật, nhà đầu tư có thể chờ mua hợp đồng tháng 10 khi giá điều chỉnh về vùng 18,75 cent, mục tiêu hướng đến vùng 21,90 cent, cắt lỗ khi giá đóng cửa rơi khỏi 17.95 cent.
Ca cao - Dự kiến giá giảm trong quý 3
Ca cao là một trong những hàng hoá có sức tăng mạnh nhất năm nay với mức đỉnh ghi nhận 12.137 USD/tấn vào cuối tháng 4, hơn gấp đôi so với kỷ lục 5.107 USD vào tháng 7/1977. Động lực chính thúc đẩy giá là sự sụt giảm sản lượng. Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, được dự kiến sẽ có mức sản lượng 2023/24 dưới 1,8 triệu tấn sau 5 mùa vụ đạt trên 2,1 triệu tấn. Bên cạnh đó, Ghana, quốc gia sản xuất lớn thứ hai, có thể gặp khó khăn trong việc đạt 500 nghìn tấn, mức thấp nhất trong 19 năm.
Kết quả là thị trường dự kiến sẽ thâm hụt mức kỷ lục 439 nghìn tấn, và là năm thâm hụt thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, triển vọng mùa vụ 2024/25 ở Tây Phi dự kiến sẽ có sự cải thiện, nhờ sự phát triển của La Nina về cuối năm, giúp mang đến mưa cho các vùng trồng chính. Các dự báo sớm cho thấy sản lượng vụ tới của Bờ Biển Ngà có thể hồi phục lên hơn 2 triệu tấn.
Cho đến nay, giá cao đã lám uy yếu nhu cầu. Hoạt động nghiền 2023/24 trên toàn cầu kỳ vọng sẽ giảm 218 nghìn tấn so với vụ trước, mức giảm lớn nhất kể từ 2008/09.
Nếu nhu cầu tiếp tục suy giảm trong khi nguồn cung phục hồi, giá ca cao sẽ giảm đáng kể trong quý 3, và sự tăng giá trong ngắn hạn sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư để canh bán xuống.