Tin hàng hóa Việt Nam - Cập nhật tin tức thị trường hàng hóa mới nhất
Giải mã hợp đồng kỳ hạn - "Bí kíp" quản lý rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận
Tác giảNguyễn Thị Bảo Ngọc

Hiện nay, hợp đồng kỳ hạn đang trở thành một trong những công cụ tài chính hữu hiệu nhất trong các loại hợp đồng để giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro biến động giá cả, lãi suất và tỷ giá hối đoái. Bài viết dưới đây của Tin hàng hóa sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về hợp đồng kỳ hạn:

Khái niệm hợp hợp đồng kỳ hạn

Ảnh minh họa hợp đồng kỳ hạn
Ảnh minh họa hợp đồng kỳ hạn

Theo Khoản 3 Điều 64 Luật Thương mại 2005, hợp đồng kỳ hạn được quy định như sau:

Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá

1. Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.

2. Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng.

3. Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó.

Theo đó, hợp đồng kỳ hạn là loại hợp đồng thỏa thuận mà bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hóa tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá thỏa thuận mà đã được thống nhất trong hợp đồng từ hôm nay.

Ảnh minh họa chủ thể tham gia và giá cả trong hợp đồng kỳ hạn
Ảnh minh họa chủ thể tham gia và giá cả trong hợp đồng kỳ hạn

Nói cách khác, hợp đồng giao kết kỳ hạn hay forward contract chính là loại hình hợp đồng giao sau. Đối tượng hay tài sản cơ sở trong hợp đồng được giao sau 2 ngày hoặc xa hơn kể từ thời điểm ký kết. 

Ví dụ: Công ty X đặt mua 50 tấn cà phê của Công ty Y theo dạng hợp đồng kỳ hạn với đơn giá 50.000đ/kg tại thời điểm ký kết (19/02/2024). Theo bản hợp đồng này, Công ty Y cần giao đúng số lượng cà phê cho Công ty X vào ngày 19/05/2024. Đến ngày 14/06/2023, dù giá cà phê có lên xuống thế nào thì Công ty B vẫn phải giao đủ 50 tấn cà phê theo đơn giá 50.000đ/kg cho Công ty A sau 3 tháng kể từ ngày giao kết.  

Mặc dù hợp đồng kỳ hạn có thể được sử dụng để đầu cơ dựa trên biến động giá cả trong tương lai, chức năng chính của nó lại nằm ở việc hạn chế rủi ro về giá cả hoặc lãi suất cho tài sản trong tương lai.

Các đặc điểm nổi bật của hợp đồng kỳ hạn

  • Giao dịch và thanh toán: Việc thanh toán tiền và trao đổi tài sản cơ sở được thực hiện vào ngày đáo hạn hợp đồng.

  • Tính bắt buộc: Hai bên có nghĩa vụ thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng vào ngày đáo hạn. 

Ảnh minh họa hợp đồng kỳ hạn
Ảnh minh họa hợp đồng kỳ hạn
  • Tính tự thỏa thuận: Hợp đồng kỳ hạn được thỏa thuận trực tiếp giữa hai bên mà không qua trung gian và không phát sinh chi phí giao dịch.

  • Tính linh hoạt: Tài sản cơ sở của hợp đồng kỳ hạn không cần đáp ứng các tiêu chuẩn về khối lượng, chất lượng, giá trị như hợp đồng tương lai. 

  • Giao dịch phi tập trung: Hợp đồng kỳ hạn không được niêm yết và giao dịch trên sàn giao dịch tập trung mà chỉ được giao dịch trên thị trường OTC (giao dịch ngoài sàn).

  • Không ký quỹ: Hợp đồng kỳ hạn không yêu cầu ký quỹ như hợp đồng tương lai.

  • Tính thanh khoản thấp: Do đặc điểm giao dịch phi tập trung và không ký quỹ, hợp đồng kỳ hạn thường có tính thanh khoản thấp hơn so với hợp đồng tương lai, dẫn đến rủi ro cao hơn cho các bên tham gia.

Ý nghĩa và rủi ro của hợp đồng kỳ hạn

Ý nghĩa

Trước sự biến động thất thường của giá cả hàng hóa, tài sản tài chính và lãi suất, hợp đồng kỳ hạn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro một cách hiệu quả.

Ảnh minh họa hợp đồng kỳ hạn
Ảnh minh họa hợp đồng kỳ hạn

Công cụ này giúp doanh nghiệp cố định một khoản chi phí cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tương lai, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ biến động giá cả. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể dự đoán chi phí chính xác hơn, lập kế hoạch tài chính và quản trị rủi ro hiệu quả trước những biến động thị trường.

Ví dụ:

  • Doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo có thể sử dụng hợp đồng kỳ hạn để mua nguyên liệu đầu vào như đường, bột mì với giá cố định trong tương lai, tránh ảnh hưởng từ biến động giá nguyên liệu.

  • Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể sử dụng hợp đồng kỳ hạn ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái cho các giao dịch thanh toán quốc tế.

Ngoài ra các lợi ích khác của hợp đồng kỳ hạn còn là lập kế hoạch tài chính hiệu quả nhờ dự đoán chi phí chính xác để đưa ra quyết định đầu tư hàng hóa phái sinh hợp lý, đồng thời giúp tăng lợi nhuận do hiệu quả trong tận dụng cơ hội mua bán tài sản với giá có lợi trong tương lai. 

Rủi ro

- Rủi ro thanh khoản:

  • Thị trường kém phát triển: So với hợp đồng tương lai, thị trường hợp đồng kỳ hạn có quy mô nhỏ hơn, tính thanh khoản thấp do tính chất giao dịch phi tập trung.

  • Khó khăn trong việc chuyển nhượng: Hợp đồng kỳ hạn không được niêm yết trên sàn giao dịch, do đó việc mua bán, chuyển nhượng hợp đồng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của các bên.

- Rủi ro thanh toán cao:

  • Không ký quỹ: Không giống như hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn không yêu cầu ký quỹ bảo đảm, dẫn đến rủi ro thanh toán cao hơn trong trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ.

  • Thanh toán trực tiếp: Việc thanh toán bù trừ và lời lỗ của hợp đồng kỳ hạn được thực hiện trực tiếp giữa hai bên mà không có sự tham gia của trung gian, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh toán do các yếu tố như tranh chấp, lừa đảo...

Các yếu tố tạo nên hợp đồng kỳ hạn

  • Tài sản cơ sở của hợp đồng kỳ hạn:

  • Tài sản thực tế: Bao gồm các mặt hàng thiết yếu như lúa gạo, cà phê, cao su, dầu thô, kim loại… từ quá trình sản xuất

  • Tài sản tài chính: Gồm trái phiếu, cổ phiếu, tiền tệ và các công cụ phái sinh khác.

  • Các nhân tố tham gia hợp đồng:

  • Người mua - Long position: Bên cam kết mua tài sản cơ sở vào một thời điểm và giá đã được thống nhất trước trong tương lai.

  • Người bán - Short position: Bên cam kết bán tài sản cơ sở vào thời điểm và giá đã được thống nhất trước trong tương lai.

Ví dụ về hai bên bán và mua trong hợp đồng kỳ hạn với hàng hóa là gạo:

  • Thời điểm xác lập trạng thái (ký hợp đồng), t = 0: Hai bên thỏa thuận về giá và số lượng tài sản cơ sở. Giao dịch chưa xảy ra

  • Thời điểm đáo hạn, t = T: Bên mua trả tiền cho bên bán và nhận tài sản cơ sở. Bên bán giao tài sản cơ sở và nhận tiền

Các bên tham gia trong hợp đồng kỳ hạn
Các bên tham gia trong hợp đồng kỳ hạn
  • Thời điểm thanh toán (kỳ hạn hợp đồng): Xác định thời điểm thực hiện nghĩa vụ mua/bán tài sản cơ sở. Hàng hóa cần phải được giao đúng thời điểm cam kết trong hợp đồng vào một ngày xác định trong tương lai. 

  • Giá kỳ hạn (giá thanh toán): Mức giá thống nhất cho giao dịch tài sản trong tương lai, được xác định dựa trên giá giao ngay hiện tại và lãi suất thị trường. Để xác định giá kỳ hạn, người ta thường dựa vào giá giao ngay và lãi suất. 

Giá kỳ hạn trong hợp đồng kỳ hạn
Giá kỳ hạn trong hợp đồng kỳ hạn

Ví dụ: vào ngày 28/1/2024 ông X ký kết hợp đồng kỳ hạn 4 tháng với ông Y, mua 10 tấn gạo với mức giá ấn định là 30,000 VND/kg. Như vậy có thể phân tích các yếu tố trong hợp đồng kỳ hạn trên như sau:

  • Người mua là ông A và người bán là ông B. 

  • Ngày đáo hạn là: 28/5/2024.

  • Giá kỳ hạn là 30,000 VND/kg.

7 loại hợp đồng kỳ hạn thông dụng

 Hợp đồng kỳ hạn được chia thành nhiều loại dựa trên tài sản cơ sở giao dịch, bao gồm:

Hợp đồng kỳ hạn cổ phiếu (equity forward contract)

  • Tài sản cơ sở là cổ phiếu của các công ty đại chúng.

Hợp đồng kỳ hạn trái phiếu (forward contract on bond)

  • Tài sản cơ sở là trái phiếu do chính phủ hoặc doanh nghiệp phát hành.

Hợp đồng kỳ hạn hàng hóa (commodity forward) 

Hợp đồng giao dịch tiền tệ kỳ hạn (currency forward contract)

  • Xác định tỷ giá mua bán một loại ngoại tệ cụ thể vào thời điểm tương lai.

Hợp đồng lãi suất kỳ hạn (forward rate agreement- FRA)

  • Thỏa thuận về mức lãi suất cho khoản vay trong tương lai.

Hợp đồng kỳ hạn không giao dịch (non-deliverable forward – NDF)

  • Thanh toán bằng tiền mặt (cash settlement) thay vì giao nhận tài sản gốc (physical delivery).

Hợp đồng kỳ hạn ngoại hối (currency forward contract) 

Ảnh minh họa hợp đồng kỳ hạn
Ảnh minh họa hợp đồng kỳ hạn

Tại Việt Nam hiện nay, hợp đồng kỳ hạn ngoại hối được sử dụng phổ biến nhất, với sự tham gia chủ yếu của các ngân hàng thương mại và công ty xuất nhập khẩu, các tổ chức đầu tư tài chính để phòng ngừa rủi ro về tỷ giá..

Hợp đồng kỳ hạn ngoại hối là thỏa thuận giữa hai bên về việc mua bán một lượng ngoại tệ cụ thể với mức giá đã được thống nhất trước tại một thời điểm xác định trong tương lai.

- Đặc điểm chính của hợp đồng kỳ hạn ngoại hối

  • Tài sản cơ sở: Ngoại tệ (ví dụ: USD, EUR, JPY, VND...).

  • Giá kỳ hạn: Tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền được thỏa thuận trong hợp đồng.

  • Thanh toán: Thực hiện vào ngày đáo hạn hợp đồng.

  • Tỷ giá kỳ hạn: Tỷ giá hối đoái áp dụng vào ngày đáo hạn hợp đồng.

- Ví dụ hợp đồng kỳ hạn ngoại hối

  • Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản có thể ký hợp đồng kỳ hạn ngoại hối để mua USD với tỷ giá 24.000 VND/USD vào một tháng sau. Khi đến ngày đáo hạn, doanh nghiệp sẽ thanh toán 24.000 VND/USD cho một đơn vị USD.

- Giá kỳ hạn trong hợp đồng ngoại hối

  • Là tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền được hai bên thỏa thuận tại thời điểm ký hợp đồng cho giao dịch thanh toán ngoại tệ vào một thời điểm xác định trong tương lai. Tuy nhiên, tỷ giá này phải nằm trong giới hạn tỷ giá kỳ hạn hiện hành của Ngân hàng nhà nước tại thời điểm ký kết hợp đồng.
  • Tại Việt Nam, tỷ giá kỳ hạn thường được các ngân hàng thương mại niêm yết. Giá trị của tỷ giá kỳ hạn được xác định dựa trên tỷ giá giao ngay và lãi suất trên thị trường tiền tệ.

- Công thức xác định tỷ giá kỳ hạn

F0 = S0 (1 + rd) / (1 + ry)

Trong đó:

  • F0: tỷ giá kỳ hạn

  • S0: tỷ giá giao ngay

  • rd: lãi suất của đồng tiền định giá

  • ry: lãi suất của đồng tiền yết giá

Công thức này dựa trên nguyên tắc ngang bằng lãi suất (IRP):

  • Chênh lệch lãi suất giữa hai quốc gia bằng với chênh lệch giữa tỷ giá kỳ hạn và tỷ giá giao ngay.

Ví dụ tính toán hợp đồng kỳ hạn dựa trên nguyên tắc ngang bằng lãi suất:

Công ty XNK A cần 500.000 USD để nhập khẩu hàng hóa vào tháng tới. Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá USD/VND tăng, công ty A ký hợp đồng kỳ hạn ngoại hối với ngân hàng B. Theo hợp đồng, công ty A sẽ mua 500.000 USD với tỷ giá kỳ hạn đã được ấn định là 21.500 VND/USD. Sau một tháng, nếu tỷ giá USD/VND tăng cao hơn 21.500 VND, công ty A đã phòng ngừa rủi ro thành công. Ngược lại, nếu tỷ giá USD/VND giảm, công ty A sẽ chịu lỗ.

Các phương thức thực hiện hợp đồng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 158/2006/NĐ-CP và khoản 10 Điều 2 Nghị định 51/2018/NĐ-CP, các bên giao dịch hợp đồng kỳ hạn có hai lựa chọn để thực hiện hợp đồng:

- Thanh toán bù trừ qua Trung tâm thanh toán bù trừ

  • Phương thức này được thực hiện vào phiên cuối cùng của ngày giao dịch hợp đồng cuối cùng.

  • Quá trình thực hiện:

  • Các bên tham gia giao dịch ký gửi tiền và/hoặc tài sản cơ sở vào tài khoản thanh toán bù trừ của Trung tâm thanh toán bù trừ.

  • Trung tâm thanh toán bù trừ sẽ thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ thanh toán và giao nhận tài sản cơ sở giữa các bên theo kết quả giao dịch đã khớp lệnh.

- Giao nhận tài sản cơ sở qua Trung tâm giao nhận hàng hóa

  • Phương thức này áp dụng cho các hợp đồng kỳ hạn có tài sản cơ sở là hàng hóa.

  • Quá trình thực hiện:

  • Bên bán giao hàng hóa đến Trung tâm giao nhận hàng hóa theo quy định của hợp đồng.

  • Bên mua thanh toán tiền cho Trung tâm giao nhận hàng hóa.

  • Trung tâm giao nhận hàng hóa sẽ chuyển hàng hóa cho bên mua sau khi nhận đủ tiền thanh toán.

- Lựa chọn phương thức thực hiện hợp đồng

Ảnh minh họa hợp đồng kỳ hạn
Ảnh minh họa hợp đồng kỳ hạn
  • Trước ngày giao dịch hợp đồng cuối cùng:

  • Sở Giao dịch hàng hóa sẽ yêu cầu các thành viên kinh doanh lựa chọn phương thức thực hiện hợp đồng theo quy định.

  • Thành viên kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch hàng hóa về lựa chọn của mình.

  • Trường hợp lựa chọn giao nhận hàng hóa:

  • Trong thời hạn nhất định do Sở Giao dịch hàng hóa quy định, thành viên kinh doanh có nghĩa vụ:

  • Nộp tiền vào tài khoản thanh toán nếu là bên mua.

  • Giao hàng hóa đến Trung tâm giao nhận hàng hóa nếu là bên bán.

Như vậy, theo quy định pháp luật, các bên giao dịch hợp đồng kỳ hạn có hai phương thức chính để thực hiện hợp đồng: thanh toán bù trừ qua Trung tâm thanh toán bù trừ hoặc giao nhận tài sản cơ sở qua Trung tâm giao nhận hàng hóa. Lựa chọn phương thức thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào loại hợp đồng, nhu cầu và thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch.

Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trong hợp đồng kỳ hạn

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 65 Luật Thương mại 2005, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kỳ hạn được quy định như sau:

1. Trường hợp người bán thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên mua có thể thanh toán bằng tiền và không nhận hàng thì bên mua phải thanh toán cho bên bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.

3. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên bán có thể thanh toán bằng tiền và không giao hàng thì bên bán phải thanh toán cho bên mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.

Như vậy, nếu bên người bán có nghĩa vụ thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng kỳ hạn thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán.

So sánh hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai

So sánh hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai
So sánh hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai

Điểm tương đồng giữa hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai là cả hai đều hoạt động như một công cụ tài chính phái sinh. Tuy nhiên khi xem xét kỹ hơn về mặt bản chất vẫn có nhiều khác biệt giữa hai loại hợp đồng này. Dưới đây là bảng so sánh những điểm khác biệt của hai loại hợp đồng:

Tiêu chí so sánh

Hợp đồng kỳ hạn

Hợp đồng tương lai

Quy chuẩn trung

Không yêu cầu chuẩn hóa về mặt điều khoản, giá trị hay số lượng tài sản cơ sở

Được niêm yết trên các sàn chứng khoán phái sinh, yêu cầu chuẩn hóa về mặt điều khoản, giá trị và số lượng tài sản cơ sở

Thị trường giao dịch

Thị trường phi tập trung

Thị trường tập trung

Thời điểm thanh toán

Thanh toán khi hàng được giao

Thanh toán hàng ngày

Tài sản thế chấp

Tài sản thế chấp chưa được chuẩn hóa 

Tài sản thế chấp đã qua chuẩn hóa về mặt khối lượng, chất lượng, giá trị

Tính thanh khoản 

Thấp hơn hợp đồng tương lai

Thanh khoản khá cao bởi được niêm yết trên các sàn giao dịch

Ký quỹ 

Không bố trí ký quỹ

Có bố trí khí quỹ, cả hai chủ thể tham gia đều phải đặt cọc

Những hành vi bị nghiêm cấm trong hợp đồng kỳ hạn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Thương mại 2005, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, bao gồm cả hợp đồng kỳ hạn:

Hành vi của nhân viên Sở Giao dịch hàng hóa

  • Nhân viên Sở Giao dịch hàng hóa không được phép trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động môi giới, mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch.

Hành vi của các bên liên quan

- Gian lận, lừa dối

  • Cung cấp thông tin sai lệch về khối lượng hàng hóa trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn đã được giao dịch hoặc có thể được giao dịch.

  • Cung cấp thông tin sai lệch về giá thực tế của hàng hóa trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn.

- Gây rối loạn thị trường

  • Tung tin sai lệch về các giao dịch, thị trường hoặc giá hàng hóa mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa.

  • Sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để thao túng thị trường hàng hóa.

  • Các hành vi bị cấm khác:

  • Thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa.

Có thể thấy, luật pháp nghiêm cấm các hành vi gian lận, lừa dối, thao túng thị trường và các hành vi vi phạm quy định khác trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, bao gồm cả hợp đồng kỳ hạn. Việc thực hiện các hành vi này có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như:

  • Bị hủy giao dịch, truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

  • Bị đình chỉ hoặc cấm tham gia giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa.

  • Phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, bài viết trên đây đã đem đến cho bạn đọc những kiến thức cơ bản về hợp đồng kỳ hạn và những lưu ý cơ bản trong việc sử dụng hợp đồng kỳ hạn. Hiểu rõ và sử dụng loại hợp đồng này và sử dụng một cách thông minh trong các giao dịch sẽ giúp nhà tư tối ưu hóa lợi nhuận thành công và phòng ngừa rủi ro trên thị trường! 

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về thông tin trong bài viết, xin vui lòng liên hệ ngay với Tin hàng hóa để được đội ngũ tư vấn viên giúp đỡ! 

 

Bình luận
Gửi bình luận
Mới nhấtQuan tâm nhất